Học bổng ASAHI-Cơ hội và thách thức ?

Học bổng báo ASAHI – Cơ hội và thách thức?

  • Lời mở đầu

Những năm gần đây, trong dòng chảy ngày càng mãnh liệt của xu thế du học Nhật Bản. Rất nhiều chương trình học bổng nổi lên. Tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam đến gần hơn với con đường du học. Một trong số đó phải kể đến học bổng báo Asahi – một trong những chương trình học bổng tư nhân lâu năm nhất cho DHS Việt Nam.

Quỹ học bổng Asahi – đơn vị sáng lập nên Chương trình du học học bổng báo Asahi. Quỹ có lịch sử hơn 50 năm với khoảng 94.000 sinh viên đã tốt nghiệp. Đây là Quỹ học bổng nổi tiếng tại Nhật Bản. Quỹ hỗ trợ những học sinh sinh viên nghèo vươn lên trong học tập. Ở Việt Nam, đây cũng là quỹ học bổng được rất nhiều người biết đến, nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều về chương trình học bổng này. Vậy du học học bổng báo Asahi NÊN HAY KHÔNG?

  • Thời gian biểu của Du Học Sinh học bổng báo Asahi

du hoc nhat ban

Là một cựu DHS Nhật Bản tới Nhật từ năm 2010, tôi có cơ hội làm quen và tiếp xúc với rất nhiều các anh chị, bạn bè từng xuất thân từ học bổng này. Cùng khóa tháng 4/2010 với tôi, anh bạn Bắc Giang từng làm tại một tiệm báo Asahi ở tỉnh Kanagawa chia sẻ:

“Cuộc sống của DHS học bổng báo về cơ bản cũng giống như các bạn DHS thông thường thôi. Cũng học 1 buổi ở trường tiếng Nhật, làm thêm khoảng 28h/tuần. Chỉ có 1 điều đặc biệt là phát báo bọn mình chỉ học được ca sáng chứ không học ca chiều vì đặc thù của phát báo là có báo sáng phát từ tầm 3-6h, báo chiều từ 15-17h. Vì vậy các thầy cô đều ưu ái khi xếp lịch học cho bọn mình.

Nhiều bạn nghe thấy mình nói phát báo 1 ca có 2-3h chắc cũng ngạc nhiên. Thật ra thời gian đầu chưa nhớ hết được những nhà cần phát thì mất thời gian lắm. Nhiều khi phát 1 ca đến 5-6h. Nhưng sau này quen rồi thì tốc độ càng ngày càng nhanh”.

Tùy thuộc vào từng tiệm báo và khu vực phát báo mà thời gian làm của các bạn khác nhau. Nhưng về cơ bản 1 ngày của 1 DHS học bổng báo như sau:

  • 3h dạy đến tiệm sắp xếp báo và tờ rơi báo sáng
  • 3h30 ~ 6h30: phát báo sáng
  • 9h ~ 13h: học ở trường
  • 13h ~ 15h: nghỉ trưa
  • 15h đến tiệm sắp xếp báo chiều
  • 15h30 ~ 17h: phát báo chiều
  • 17h30 về KTX tắm rửa, ăn uống
  • 19h ~ 22h: học bài
  • 22h ~ : đi ngủ

“Nghe thì thấy rất vất vả nhưng thực ra so với các bạn DHS tự túc đi làm thêm ở các quán ăn, cửa hàng tiện lợi, xưởng sản xuất… em thấy còn đỡ mệt hơn. Bọn em không phải lo toan tiền bạc vì có Quỹ học bổng trả học phí và KTX cho hết rồi. Các bạn làm bên ngoài, gia đình không có tiền gửi sang. Các bạn ý đi làm thêm nhiều lắm, làm gì có nhiều thời gian học như bọn em. Về mặt bằng chung, DHS phát báo bọn em học hành ổn hơn DHS tự túc nhiều chị ạ. Học 1 năm lấy N2 là bình thường, các bạn thi đậu đại học quốc lập, công lập cũng nhiều lắm. ” 

N.N.Mai (Điện Biên) một bạn nữ khóa tháng 10/2014 từng làm cho một tiệm Asahi tại Tokyo tâm sự.

Bạn cũng chia sẻ cùng nhóm các bạn đi có khoảng 20 bạn nữ. Lúc đầu bố mẹ cũng lo lắng con gái làm công việc này vất vả.  Nhưng ngược lại con gái lại được các bác các anh đồng nghiệp cũng tiệm ưu ái. Trong số 20 bạn nữ cùng khóa với Mai, có bạn đi xe máy cũng có bạn đi xe đạp phát báo. Nhưng hầu như đều được đồng nghiệp và chủ tiệm báo ưu tiên cho những khu vực nhẹ nhàng, thời gian đi phát cũng ngắn hơn các bạn khác. 

“Nhiều khi xong sớm quá, bọn em phải ngồi ở combini (cửa hàng tiện lợi 24h) đợi hết giờ mới dám về tiệm bấm thẻ tính công ấy ạ. ” – Mai cười nói.

  • CƠ HỘI cho những bạn trẻ hiếu học khi tham gia học bổng báo Asahi

du hoc nhat ban

Đi du học theo học bổng báo Asahi, học sinh sẽ được Quỹ học bổng chi trả toàn bộ học phí và KTX, được làm thêm ở tiệm báo với mức lương trung bình từ 8-9 vạn yên. Sau khi trừ sinh hoạt phí, các bạn có thể tiết kiệm được khoảng 6 vạn yên/tháng, 72 vạn yên/năm. Học 1 năm rưỡi, 2 năm tại trường tiếng Nhật thì số tiền bạn tiết kiệm được sẽ còn lớn hơn nữa. Khoản tiền đó thoải mái chi trả các chi phí cần thiết khi bạn học lên đại học, chuyên môn.

So sánh với các bạn DHS tự túc, cũng với mức lương làm thêm tương đương hoặc cao hơn một chút. Nhưng trung bình phải chi trả 60-70 vạn yên học phí/năm, trên dưới 25 vạn yên tiền thuê nhà. Thì Du học học bổng báo Asahi có thể nói là cơ hội tuyệt vời để các bạn giảm thiểu áp lực kinh tế cho gia đình và bản thân. Chưa kể, lên ĐH, cao đẳng các bạn vẫn có cơ hội tiếp tục nhận học bổng báo Asahi.

Ổn định về kinh tế đồng nghĩa với việc bạn có thể tập trung cho học tập, giành được thành tích cao thi vào các trường đại học nổi danh. Ngược lại, rất nhiều DHS tự túc không có điều kiện kinh tế đi làm thêm quá giờ không gia hạn được visa. Nhiều bạn làm lách luật bằng cách nhận việc trả lương tay. Nhưng dù vậy thời gian eo hẹp, áp lực tiền bạc đè nặng khiến nhiều bạn đi vào con đường phạm pháp như trộm cắp, mại dâm…

Dẫn đến DHS dễ mắc phải nhất là tình trạng nghỉ học nhiều, học kém phải thi vào các trường ĐH tư lập hay chuyên môn kém uy tín. Các trường loại này học phí cao, chất lượng đào tạo kém. Chủ yếu chỉ thu tiền DHS để các bạn duy trì visa. Và các bạn thì lại tiếp tục lao vào vòng luẩn quẩn đi làm kiếm tiền nộp học phí.  Không có thời gian học -> thành tích học tập yếu kém -> không xin được học bổng hay miễn giảm học phí -> tiếp tục lao đi làm…

Là giám đốc đào tạo của một trung tâm tiếng Nhật tại Hà Nội, tôi từng phỏng vấn rất nhiều DHS về nước. Có những bạn học xong semmon ở Nhật về trình độ tiếng Nhật vẫn lẹt đẹt N3 (thậm chí không được N3). Rất nhiều bạn làm quá giờ phải về nước giữa chừng ngoài kinh nghiệm mấy năm ở Nhật thì không có gì. KHÔNG BẰNG CẤP – KHÔNG TRÌNH ĐỘ! Tôi thường tự hỏi các bạn đã làm gì ở Nhật mà trình độ còn không bằng các bạn đi Xuất khẩu lao động?

Thế nên tôi tin rằng với rất nhiều bạn trẻ học bổng báo Asahi nói riêng và các học bổng tư nhân của Nhật nói chung là cơ hội tuyệt với các bạn nên nắm bắt để thực hiện ước mơ du học của mình.

  • THÁCH THỨC khi tham gia chương trình Học bổng báo Asahi

Thách thức đầu tiên các bạn phải đối mặt là vòng phỏng vấn khắt khe của Quỹ học bổng Asahi. Tiếp đó là quá trình học tập “gian nan” tại Việt Nam. Gian nan ở đây chính là học luật giao thông để thi lấy bằng lái xe máy tại Nhật.

“Sách giao thông của bọn em toàn hán tự với ngữ pháp N2, N1. Học mà muốn thổ huyết luôn cô ạ. Nhưng các bạn ai cũng phải cố gắng, ai cũng tự giác học. Học luật là để cho bọn em mà. Sang bên kia điều khiển xe mà không biết luật gây tai nạn cho mình và người khác thì khổ. ” 

L.D.Phương (Thanh Hóa) hiện đang học để chuẩn bị đi Nhật tháng 4/2020 theo chương trình du học Asahi khu vực Osaka cho biết.

Sau khi sang Nhật, các bạn sẽ ngay lập tức được vào học tập trung để ôn thi bằng lái. Có những bạn thi đến 7,8 lần mới đỗ bằng. Sau khi đỗ bằng lái, các bạn mới được tiếp nhận công việc phát báo.

Thời gian đầu việc đảo lộn giờ giấc khiến nhiều bạn chưa quen. Nó làm ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và đồng hồ sinh học. Đồng thời việc chạy bộ nhiều cũng khiến các bạn đau mỏi bắp chân. Mặc dù có thang máy nhưng hầu hết các bạn đều chọn chạy thang bộ cho nhanh. Nhưng sau khi quen rồi thì điều đó cũng không còn quá khó khăn nữa. Ngược lại đây cũng là một hình thức để các bạn rèn luyện sức khỏe.

Bạn phải đối mặt với những ngày thời tiết xấu. “Những ngày mưa hay tuyết đi phát báo thì “phê” lắm em ạ. Bình thường phát 3h thì ngày tuyết khéo khi phải 6 tiếng. Trơn trượt ngã xe, ướt báo phải về tiệm lấy lại là “chuyện thường ngày ở huyện”. Những ngày tuyết lớn, bọn anh còn phải quấn xích vào bánh xe để chạy cho khỏi trơn. Giờ nghĩ lại cũng thấy nể phục mình hồi đó. ” – Anh Đ.K.Hoàn (Nam Định) du học Nhật khóa tháng 7/2003 kể lại.

“Phát báo có một cái khó nữa là khó xin nghỉ. Mỗi tuần bọn em được nghỉ 1 ngày. Chủ nhật và ngày lễ thì được nghỉ báo chiếu. Nhưng muốn nghỉ dài để đi du lịch hay thăm bạn bè thì cũng khó vì báo thì ngày nào cũng có, mình nghỉ thì ai phát? Mình nghỉ thì đồng nghiệp lại phải cố cả phần của mình nữa.

Nói vậy nhưng nghề nào cũng có ý nghĩa của nó. Không có tụi em thì ai đưa báo hàng ngày đến cho độc giả. Bản thân em phát báo 2 năm, có mấy cụ già sống một mình hay nói chuyện và cho quà. Mỗi sáng mỗi chiều em đưa báo, thấy báo trong thùng thư cụ lấy rồi là yên tâm cụ vẫn khỏe vẫn bình yên. Nhiều khi những việc nhỏ nhỏ thế thôi mà thấy có động lực để cố tiếp chị ạ. ” 

T.T.Anh (Nam Định) du học sinh kỳ tháng 4/2012 từng làm ở một tiệm Asahi tại Tokyo chia sẻ.

  • LỜI NHẮN NHỦ CỦA GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NHẬT NGỮ BẢO TÍN

Du học dù ở bất cứ đâu, dưới bất cứ diện nào cũng là một thử thách lớn. Thử thách để tự lập, thử thách để trưởng thành. Bất cứ công việc nào cũng có khó khăn riêng của nó, dù bạn làm ở đâu cũng có người này người kia. Du học học bổng báo Asahi cũng vậy. Bên cạnh những bạn đã thành công, cũng có không ít những bạn thiếu may mắn làm việc ở những tiệm báo mà ông chủ hay đồng nghiệp người Nhật không tốt. Thường coi khinh người nước ngoài hay đùn đẩy phần việc nặng cho bạn. Tôi tin rằng các bạn DHS làm thêm hoặc đã đi làm chính thức trong những ngành nghề khác cũng gặp phải những chuyện tương tự. Nhưng chính sự nỗ lực và bản lĩnh của bạn sẽ làm nên thành công của các bạn sau này.

Đinh Thị Huệ

  • MỌI THÔNG TIN LIÊN HỆ 

CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN BẢO TÍN

TRUNG TÂM TƯ VẤN DU HỌC BẢO TÍN

Địa chỉ: 44 Đào Xuyên, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội

Website: baotinjp.com                             –           Fanpage:facebook.com/baotinjapanesecenter

Mr Bùi Mạnh Hùng (Tel 0916 56 43 43)                      –           Zalo: 0916 56 43 43

Hotline: 0986 564 343

     

.
.
.
.